Tài liệu tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông

Có hiểu biết để áp dụng được vào thực tế các nội dung, nhiệm vụ của người lái xe trong Quy trình đảm bảo an toàn giao thông; có kiến thức cơ bản để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thông thường xảy ra đối với hành khách khi đang lưu thông trên đường.

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC ĐỐI VỚI NGƯỜI LÁI XE KINH DOANH VẬN TẢI, NHÂN VIÊN PHỤC VỤ TRÊN XE TRONG HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ

I. TRÁCH NHIỆM CỦA ĐƠN VỊ VẬN TẢI TRONG VIỆC TUYỂN DỤNG, ĐÀO TẠO, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG LÁI XE

Người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe có vị trí rất quan trọng, tác động lớn đến hiệu quả kinh doanh, uy tín thương hiệu của đơn vị. Vì vậy, đơn vị muốn hoạt động có hiệu quả ngoài việc thực hiện công tác quản lý lái xe, nhân viên phục vụ trên xe theo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan còn phải xây dựng được quy chế tuyển dụng, đào tạo, sử dụng và quản lý đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe một cách chặt chẽ với các nội dung cụ thể như sau:

1. Khâu tuyển dụng

a) Kiểm tra hồ sơ: Hồ sơ người lao động theo quy định gồm có đơn xin việc, sơ yếu lí lịch, giấy khám sức khoẻ, các loại chứng chỉ nghề, giấy phép lái xe,…khi kiểm tra hồ sơ cần xác định rõ tính xác thực của hồ sơ, nhân thân người tham gia dự tuyển, đặc biệt phải nghiên cứu kỹ lý lịch xem người dự tuyển có phải là đối tượng có tiền án, tiền sự hoặc đối tượng đang trong thời gian cấm hành nghề theo quy định của pháp luật hay không?

c) Về sức khoẻ: Ngoài giấy khám sức khoẻ theo quy định kèm theo hồ sơ, doanh nghiệp cần kiểm tra sức khoẻ thực tế người dự tuyển, nếu tuyển số lượng lớn cần phối hợp với cơ quan y tế để tiến hành kiểm tra, xác định sức khoẻ cụ thể người dự tuyển, trong trường hợp cần thiết có thể thống nhất với người dự tuyển kiểm tra sức khoẻ một số nội dung ngoài nội dung quy định trong giấy khám sức khoẻ như xác định người dự tuyển có bị mù màu, có nghiện ma tuý và các chất kích thích khác, có mắc bệnh truyền nhiễm hay không,…

d) Về tay nghề: Kiểm tra giấy phép lái xe phù hợp với loại xe doanh nghiệp sử dụng, đối với trường hợp lái xe đã có thâm niên lái xe cần phải xác định được trong quá trình lái xe trước khi đến dự tuyển, người lái xe hoạt động ở doanh nghiệp nào, trong quá trình hoạt động có đảm bảo an toàn giao thông không, số lần gây tai nạn và lý do xin chuyển cơ quan,…Kể cả lái xe đã có thâm niên nghề nghiệp và lái xe mới được đào tạo, doanh nghiệp khi tuyển dụng cũng cần kiểm tra tay nghề thực tế để đánh giá chính thức khả năng đáp ứng yêu cầu lái xe của doanh nghiệp;

đ) Ngoài những nội dung liên quan đến nhân thân, sức khoẻ, tay nghề thì một vấn đề không kém phần quan trọng là phong cách ứng xử, giao tiếp của người lái xe, vấn đề này phụ thuộc vào yêu cầu đối với từng loại hình kinh doanh. Vì vậy, trong khi tuyển dụng lái xe, đơn vị cần có những yêu cầu cụ thể thông qua phỏng vấn trên cơ sở đó xác định khả năng đáp ứng của lái xe trong quá trình hoạt động sau khi được tuyển dụng;

e) Đối với các đơn vị vận tải có số lượng xe và lái xe ít, khi tuyển lái xe nên thông qua các doanh nghiệp để nhờ tư vấn giúp đỡ tuyển dụng hoặc giới thiệu lái xe đủ điều kiện để tuyển dụng.

2. Tổ chức đào tạo hoặc đào tạo lại nghề

a) Người lao động là lái xe sau khi được đào tạo, sát hạch tại các cơ sở đào tạo và được cấp giấy phép lái xe là họ đã có chứng chỉ nghề nghiệp. Tuy vậy, để họ có thể hành nghề lái xe kinh doanh một cách vững vàng, hoàn chỉnh thì người sử dụng lao động phải có kế hoạch tiếp tục đào tạo, bổ túc những kỹ năng về giao tiếp, kinh doanh cho họ, để họ có kiến thức đầy đủ, việc đào tạo, bổ túc tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng đơn vị nhưng phải bảo đảm sau thời gian bổ túc người lái xe phải có đủ hiểu biết để có thể độc lập hoạt động thực hiện mọi nhiệm vụ đơn vị giao, đảm bảo an toàn và đủ khả năng thay mặt đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

b) Việc bổ túc tay lái cho người lái xe là việc làm rất cần thiết vì lái xe là một nghề nghiệp đặc biệt, nó liên quan đến an toàn giao thông, người lái xe hoạt động có tính độc lập cao, hoạt động của họ thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng khác tham gia giao thông trên đường, phải xử lý nhiều tình huống như xe qua đèo dốc, qua khu đông dân cư, đường trơn, lầy, qua cầu, phà,… đòi hỏi lái xe phải có kinh nghiệm vì thời gian đào tạo tại các trường chủ yếu là học lý thuyết và các tình huống cơ bản, chưa tiếp xúc với các tình huống cụ thể trên đường, vì vậy qua thời gian bổ túc người lái xe được tiếp xúc với thực tế, tích lũy kinh nghiệm giúp ích cho quá trình hoạt động.

c) Riêng đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, ngoài việc bổ túc tay nghề đơn vị còn phải tổ chức cho lái xe được tập huấn về phương pháp hoạt động trong lĩnh vực taxi, sơ đồ mạng lưới giao thông trong từng địa bàn, các điểm du lịch, di tích văn hoá,…

3. Tổ chức phổ biến nội quy, quy chế hoạt động của đơn vị tới người lái xe

a) Đơn vị (người sử dụng lao động) cần tuyên truyền đến đội ngũ lái xe trong đơn vị những kiến thức có liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của người lái xe đối với đơn vị, đối với xã hội. Tuyên truyền giáo dục họ những phương pháp giao tiếp, những quy định về ứng xử với các mối quan hệ của người lái xe thể hiện đạo đức của người lái xe kinh doanh vận tải.

b) Mỗi đơn vị đều phải có nội quy hoặc quy chế để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh vận tải của đơn vị mình như: quy chế về đảm bảo an toàn giao thông, quy chế về bảo quản và sử dụng xe, quy chế trả lương cho người lao động, quy chế về giao tiếp ứng xử với lái xe khác… Trước khi tuyển dụng, tất cả các quy chế của đơn vị đều phải được phổ biến cho ứng viên là lái xe hiểu để thông qua việc nghiên cứu nội quy, quy chế của đơn vị, người lái xe cân nhắc trước khi ký kết hợp đồng lao động với đơn vị.

4. Tổ chức phổ biến kiến thức pháp luật: Khi lái xe, nhân viên phục vụ trên xe làm việc tại đơn vị, đơn vị có trách nhiệm tổ chức cho họ học tập các kiến thức pháp luật có liên quan đến trong lĩnh vực vận tải như Luật Giao thông đường bộ, Bộ luật Lao động, Luật bảo hiểm, Luật Bảo vệ môi trường… để họ có đầy đủ kiến thức pháp luật cũng như các quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động để họ hoàn thành nhiệm vụ của mình đúng pháp luật và đem lại hiệu quả cao cho đơn vị và cho bản thân.

5. Trách nhiệm quản lý lái xe của đơn vị vận tải

a) Ngoài việc đơn vị phải có trách nhiệm quản lý lái xe, nhân viên phục vụ trên xe theo các quy định, quy trình của cơ quan quản lý nhà nước. Đơn vị sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh phải có trách nhiệm quản lý theo những nội dung đã được ký kết trong hợp đồng lao động.

b) Đơn vị sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải đảm bảo quy định về việc khám sức khỏe định kỳ cho họ và chấp hành nghiêm chỉnh các yêu cầu của cơ quan y tế.

6. Các chế độ, chính sách khác liên quan đến người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe

Ngoài việc yêu cầu người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chấp hành các quy định của pháp luật, của đơn vị thì đơn vị cũng phải thực hiện đầy đủ những nghĩa vụ của mình đối với họ như đã cam kết trong hợp đồng lao động đã được ký kết, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ, động viên họ trong lúc hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn, chia sẻ với họ những niềm vui, nỗi buồn; Đồng thời quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của họ, có quy định thưởng phạt nghiêm minh tạo điều kiện để họ yên tâm làm việc.

II. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN KIỂM TRA, KIỂM SOÁT TRÊN ĐƯỜNG BỘ

Công tác kiểm tra, kiểm soát trên đường bộ hiện nay do lực lượng Cảnh sát giao thông đảm nhiệm là chủ yếu, ngoài ra còn có sự tham gia của lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, lực lượng Thanh tra giao thông đường bộ. Nhiệm vụ của cơ quan kiểm tra, kiểm soát trên đường gồm hai nhiệm vụ cơ bản:

1. Trong quá trình kiểm tra, người kiểm tra có nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật đến lái xe; hướng dẫn lái xe chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông, tạo điều kiện để lái xe có tâm lý thoải mái khi làm nhiệm vụ;

2. Kiểm tra và xử lý các vi phạm: đơn vị vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe không chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện của phương tiện, của đơn vị vận tải, của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe. Người đại diện cơ quan kiểm tra phải xử lý nghiêm minh theo các quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

III. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN, HIỆP HỘI ĐỐI VỚI LÁI XE,

NHÂN VIÊN PHỤC VỤ TRÊN XE KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH

1. Trách nhiệm của tổ chức công đoàn tại đơn vị: Tổ chức công đoàn trong các đơn vị vận tải là cầu nối giữa người lao động với lãnh đạo đơn vị, có các nhiệm vụ sau:

– Tuyên truyền vận động đoàn viên công đoàn là lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chấp hành các quy định của pháp luật cũng như những nội quy, quy chế của đơn vị.

– Là người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

– Tiếp nhận và tập hợp ý kiến của người lao động để đề xuất với các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

– Đối với người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe do đặc điểm hoạt động trên đường có những khó khăn nhất định, tổ chức công đoàn cần phải có những biện pháp để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và điều kiện về cuộc sống của họ từ đó đề xuất với đơn vị tạo điều kiện chăm lo đời sống vật chất tinh thần để họ yên tâm lao động.

2. Trách nhiệm của các Hiệp hội Vận tải ô tô: Hiệp hội Vận tải ô tô có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục hội viên là các đơn vị vận tải về các văn bản quy phạm pháp luật trong đó có những văn bản liên quan đến người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe kinh doanh vận tải hành khách và thông qua đó để các hội viên áp dụng các biện pháp quản lý lái xe có hiệu quả. Đồng thời tiếp thu, tập hợp và phản ánh kịp thời với các cơ quan quản lý Nhà nước những ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người lái xe từ các hội viên về những chính sách, pháp luật chưa phù hợp của Nhà nước liên quan đến người lái xe, đề xuất với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh bổ xung kịp thời chủ trương, chính sách hoặc quy định phù hợp. Bảo vệ quyền lợi chính đáng của đơn vị và người lái xe./.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn trực tuyến của chúng tôi.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.