Mục lục
1. Xem bói được hiểu như thế nào?
2. Hành nghề xem bói có vi phạm pháp luật không?
3. Pháp luật quy định về mức xử phạt hành vi xem bói
3.1 Mức xử phạt vi phạm hành chính
3.2 Mức xử phạt vi phạm hình sự
1. Xem bói được hiểu như thế nào?
Xem bói là một từ ngữ dân gian có ý nghĩa chung là hình thức dự đoán về tương lai và nhìn thấu được quá khứ. Xét về khoa học thì xem bói được gọi là huyền học. Dựa theo ngày tháng năm sinh hoặc dựa theo chỉ tay, các yếu tố biến đổi bên ngoài mà thầy bói đoán tình duyên, gia đạo, công danh,… ở tương lai.
Có hai loại bói toán: khoa học (sử dụng các phép tính) và phi khoa học (dựa vào trực giác). Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các thầy bói đều kết hợp cả hai hình thức.
2. Hành nghề xem bói có vi phạm pháp luật không?
Pháp luật Việt Nam không có quy định cấm hành vi xem bói nếu mục đích không nhằm trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội.
Bên cạnh đó, vẫn có những hành vi lợi dụng bói toán để trục lợi bất chính sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà chủ thể thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Pháp luật quy định về mức xử phạt hành vi xem bói
3.1 Mức xử phạt hành chính
Căn cứ khoản 4 và khoản 7 Điều 14 Nghị định số 38/NĐ-CP có quy định về hình thức và mức độ xử phạt đối với những hành vi hành nghề xem bói trái pháp luật:
“Điều 14. Vi phạm quy định về tổ chức lễ hội
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi;
b) Tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội.
7. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tổ chức lễ hội theo quy định phải đăng ký mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Tổ chức lễ hội truyền thống không đúng với bản chất, ý nghĩa lịch sử, văn hóa;
c) Thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam;
d) Không tạm dừng tổ chức lễ hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.”
Như vậy, theo quy định trên thì xem bói nhằm mục đích trục lợi, truyền bá mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tín mạng và quyền lợi của người khác thì có thể xem là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
3.2 Mức xử phạt hình sự
Căn cứ Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về Tội hành nghề mê tín, dị đoạn như sau:
“Điều 320. Tội hành nghề mê tín, dị đoan
1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”