Công chức là lãnh đạo, quản lý sẽ không bị áp dụng kỷ luật hạ bậc lương

Theo quy định mới nhất tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, ciên chức thì công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sẽ không bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật hạ bậc lương.

1. Công chức là lãnh đạo, quản lý sẽ không bị áp dụng kỷ luật hạ bậc lương

Theo đó, tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định các hình thức kỷ luật đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bao gồm:

Khiển trách.

Cảnh cáo.

Giáng chức.

Cách chức.

Buộc thôi việc.

Trường hợp công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý vi phạm thì áp dụng một trong các hình thức xử lý kỷ luật sau:

Khiển trách.

Cảnh cáo.

Hạ bậc lương.

Buộc thôi việc.

Như vậy, hình thức kỷ luật hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Cụ thể, hình thức kỷ luật hạ bậc lương áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(1) Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo theo quy định tại Điều 9 Nghị định 112/2020/NĐ-CP mà tái phạm;

(2) Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của công chức; quy định của pháp luật về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của công chức; kỷ luật lao động; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

Lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi; có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ; xác nhận hoặc cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện;

Không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cấp có thẩm quyền; không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng; gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

Vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;

Vi phạm quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;

Vi phạm quy định về quy chế tập trung dân chủ, quy định về tuyên truyền, phát ngôn, quy định về bảo vệ chính trị nội bộ;

Vi phạm quy định của pháp luật về: đầu tư, xây dựng; đất đai, tài nguyên môi trường; tài chính, kế toán, ngân hàng; quản lý, sử dụng tài sản công trong quá trình thực thi công vụ;

Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức.

Đối chiếu với quy định tại Nghị định 34/2011/NĐ-CP, văn bản quy định về các hình thức kỷ luật công chức trước khi Nghị định 112/2020/NĐ-CP có hiệu lực, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật sau:

Khiển trách;

Cảnh cáo;

Hạ bậc lương;

Giáng chức;

Cách chức;

Buộc thôi việc.

Như vậy, Nghị định 112/2020/NĐ-CP đã bỏ đi hình thức xử lý kỷ luật hạ bậc lương đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Hiện tại, công chức là lãnh đạo, quản lý sẽ không bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật hạ bậc lương mà chỉ áp dụng một trong 05 hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Công chức đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cần lưu ý về sự thay đổi này để bảo vệ quyền lợi của mình tại cơ quan, tổ chức.

2.Những thay đổi quan trọng về kỷ luật công chức từ 20/9

Theo đó, tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về kỷ luật công chức đã có một số thay đổi quan trọng so với Nghị định 34/2011/NĐ-CP trước đó, cụ thể như sau:

1. Về nguyên tắc xử lý kỷ luật công chức

Những điểm mới về nguyên tắc xử lý kỷ luật công chức được quy định tại Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP:

– Xử lý kỷ luật công chức phải đảm bảo công khai, minh bạch;

– Không tách riêng từng nội dung vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau;

– Trường hợp công chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng.

Lưu ý: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xem xét, quyết định việc xử lý kỷ luật hành chính.

– Công chức có hành vi vi phạm lần đầu đã bị xử lý kỷ luật mà trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực có cùng hành vi vi phạm thì bị coi là tái phạm;

Trường hợp ngoài thời hạn 24 tháng thì hành vi vi phạm đó được coi là vi phạm lần đầu nhưng được tính là tình tiết tăng nặng khi xem xét xử lý kỷ luật.

2. Về các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật công chức

Tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP bổ sung thêm 01 trường hợp mới chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với công chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

3. Về các trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật công chức

Bổ sung thêm trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật bao gồm:

– Được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết, trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự khi thi hành công vụ.

– Công chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời.

4. Về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật công chức

Theo đó, Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định:

– Bổ sung thời hiệu xử lý kỷ luật đối với công chức là 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp áp dụng thời hiệu 02 năm (đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách).

– Tăng thời hạn xử lý kỷ luật đối với công chức từ tối đa là 02 tháng lên không quá 90 ngày trong trường hợp thông thường và không quá 150 ngày đối với các vụ việc có tình tiết phức tạp.

5. Không áp dụng kỷ luật hạ bậc lương đối với công chức giữa chức danh quản lý, lãnh đạo

Theo đó, hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chỉ còn 05 hình thức sau:

Khiển trách.

Cảnh cáo.

Giáng chức.

Cách chức.

Buộc thôi việc.

Như vậy, Nghị định 112/2020/NĐ-CP đã bỏ đi hình thức kỷ luật hạ bậc lương đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

6. Bổ sung thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức đã nghỉ việc

Theo đó, tại khoản 18 Điều 1 Luật cán bộ công chức và luật viên chức sửa đổi 2019 quy định:

– Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

– Công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức đã nghỉ việc là một quy định hoàn toàn mới tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

– Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ, chức danh thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh cao nhất ra quyết định xử lý kỷ luật. Trong trường hợp này, cấp có thẩm quyền quyết định việc xử lý đối với các chức vụ, chức danh khác có liên quan.

– Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh ra quyết định xử lý kỷ luật.

Như vậy, kể từ ngày Nghị định 112/2020/NĐ-CP có hiệu lực thay thế cho Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức đã có những thay đổi quan trọng. Những thay đổi này liên quan trực tiếp đến quyền lợi và trách nhiệm của công chức mà công chức cần đặc biệt lưu ý.

3. Miễn trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ, công chức trong những trường hợp sau

Theo đó, tại Điều 4 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định nếu thuộc một trong 04 trường hợp sau cán bộ, công chức sẽ được miễn trách nhiệm kỷ luật:

(1) Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi có hành vi vi phạm.

(2) Phải chấp hành quyết định của cấp trên theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Cán bộ, công chức 2008.

(3) Được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 khi thi hành công vụ.

(4) Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời.

Trong đó, trường cán bộ, công chức vi phạm do phải chấp hành quyết định của cấp trên theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Cán bộ, công chức 2008 được xác định như sau:

Chấp hành quyết định của cấp trên;

Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật đã kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định;

Người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành bằng văn bản và cán bộ, công chức phải chấp hành.

Trách nhiệm trong trường hợp này được xác định như sau: cán bộ, công chức phải thi hành theo quyết định sẽ không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành. Đồng thời, cán bộ, công chức thực hiện báo cáo cho cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

So sánh với quy định tại Nghị định 34/2011/NĐ-CP trước đây quy định về vấn đề này, Nghị định 112/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm trường hợp miễn trách nhiệm kỷ luật khi cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật đã qua đời. Bởi lẽ, việc xử lý kỷ luật liên quan trực tiếp nhân thân của cán bộ, công chức, không thể chuyển giao cho người khác và sẽ chấm dứt khi cán bộ, công chức chết.

Bên cạnh những trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật, khi tiến hành xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền cần lưu ý các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật được quy định tại Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP. Bao gồm:

(i) Cán bộ, công chức đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép;

(ii) Cán bộ, công chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;

(iii) Cán bộ, công chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

(iv) Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Nhìn chung, các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật được quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP đã kế thừa từ Nghị định 34/2011/NĐ-CP nhưng có sửa đổi chi tiết hơn và bổ sung thêm một trường hợp quan trọng dành cho cán bộ, công chức là nam giới. Cụ thể, cán bộ, công chức là nam giới trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác mà đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi cũng thuộc trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật.

4. Hình thức kỷ luật khiển trách của cán bộ, công chức có gì thay đổi từ 20/09/2020

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức; quy định của pháp luật về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, kỷ luật lao động; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

2. Lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi; (Theo Nghị định 34/2011/NĐ-CP hành vi này áp dụng hình thức giáng chức)

3. Có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ;

4. Xác nhận hoặc cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện; (Theo Nghị định 34/2011/NĐ-CP hành vi cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện bị áp dụng hình thức giáng chức)

5. Không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cấp có thẩm quyền; không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng; (Theo Nghị định 34/2011/NĐ-CP, hành vi này này áp dụng hình thức giáng chức)

6. Gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

7. Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

8. Vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;

9. Vi phạm quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;

10. Vi phạm quy định về quy chế tập trung dân chủ, quy định về tuyên truyền, phát ngôn, quy định về bảo vệ chính trị nội bộ;

11. Vi phạm quy định của pháp luật về: đầu tư, xây dựng; đất đai, tài nguyên môi trường; tài chính, kế toán, ngân hàng; quản lý, sử dụng tài sản công trong quá trình thực thi công vụ;

12. Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức.

Như vậy, có thể thấy, Nghị định 112/2020/NĐ-CP đã có những thay đổi so với Nghị định 34/2011/NĐ-CP (sẽ hết hiệu lực ngày 20/09/2020), Nghị định này đã bổ sung các trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với cán bộ, công chức và thay thế một số hành vi vi phạm bằng hình thức kỷ luật giáng chức sang kỷ luật khiển trách. Cụ thể hành vi lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi, hành vi cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện được và hành vi không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cấp có thẩm quyền; không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng sẽ được kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Đặc biệt, đối với các hành vi vi phạm áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với cán bộ, công chức, Nghị định 112/2020/NĐ-CP đã bãi bỏ hành vi sử dụng tài sản công trái pháp luật và tự ý nghỉ việc, tổng số từ 03 đến dưới 05 ngày làm việc trong một tháng so với quy định tại Nghị định 34/2011/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, đối với hành thức kỷ luật cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, Nghị định 112/2020/NĐ-CP không liệt kê cụ thể như Nghị định 34/2011/NĐ-CP mà căn cứ vào hình thức xử lý kỷ luật đã bị áp dụng trước đó và hành vi vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, rất nghiêm trọng để áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn. Cụ thể, nếu công chức đã bị xử lý kỷ luật khiển trách, cảnh cáo nhưng vẫn tái phạm thì mới áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương hoặc tùy theo hành vi vi phạm ở mức độ ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng… mà áp dụng hình thức kỷ luật từ nhẹ đến nặng.

5. Cán bộ, công chức dùng bằng giả – Bị kỷ luật bất kỳ thời điểm nào!

Theo quy định hiện hành, cán bộ, công chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức; những việc cán bộ, công chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật trong phạm vi thời hiệu cho phép.
Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm.
Căn cứ quy định tại Khoản 16 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 thì trường hợp cán bộ, công chức thực hiện các hành vi vi phạm, thời hiệu xử lý kỷ luật được áp dụng như sau:
– 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách;
– 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 02 năm.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ trường hợp nào việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức vi phạm cũng được áp dụng quy định trên.
Cụ thể, trường hợp cán bộ, công chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp thì không áp dụng quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật nêu trên.
Điều này có nghĩa là bất kể thời điểm thực hiện hành vi vi phạm của cán bộ, công chức là lúc nào và thời điểm phát hiện hành vi đó có cách xa thời điểm vi phạm bao lâu đi chăng nữa thì cán bộ, công chức vẫn bị xử lý kỷ luật bình thường, không phụ thuộc vào mốc thời gian 02 năm, 05 năm như các trường hợp nêu trên.
Quy định này xuất phát từ việc hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả của cán bộ, công chức là hành vi vi phạm mang tính chất nghiêm trọng, hậu quả kéo dài trên thực tế nên bắt buộc phải xử lý kỷ luật.
Ngoài ra, cán bộ, công chức vi phạm trong các trường hợp sau cũng đồng thời không áp dụng quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật:
– Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;
– Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
– Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Căn cứ pháp lý: Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019. Mời Quý thành viên tham khảo một số bài viết liên quan:
– Được kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật viên chức đến 150 ngày;
– Cán bộ đang điều trị ung thư được lùi lại việc xem xét kỷ luật;
– Thêm trường hợp cán bộ, công chức được miễn trách nhiệm kỷ luật;
– Chưa xem xét kỷ luật cán bộ, công chức nam nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Chúng tôi sẳn sàng giải đáp.