Mục lục
- Quyền đòi nợ là gì?
- Có quyền đòi nợ thay cho người thân đã chết không?
- Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
- Người vay không trả nợ thì phải làm như thế nào?
1. Quyền đòi nợ là gì?
Quyền đòi nợ là quyền về tài sản. Quyền đòi nợ là một quyền tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Căn cứ Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“Điều 105. Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Căn cứ quy định trên, quyền đòi nợ là quyền dân sự của chủ thể được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, giúp bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện một nghĩa vụ tài sản đối với mình.
2. Có quyền đòi nợ thay cho người thân đã chết không?
Theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền định đoạt của chủ sở hữu như sau: “Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.”
Như vậy, theo quy định trên thì quyền đòi nợ là quyền tài sản và người cho vay có quyền để thừa kế quyền đòi nợ của mình. Theo quy định pháp luật khi một người chết thì di sản của họ được thừa kế theo di chúc hoặc chia thừa kế theo pháp luật. Trong trường hợp đòi nợ thay người thân đã mất thì được phép yêu cầu bên vay phải trả tiền theo quy định pháp luật.
3. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
Căn cứ Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ của bên vay như sau:
“Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
4. Người vay không trả nợ thì phải làm như thế nào?
Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về Hợp đồng vay tài sản như sau: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Như vậy, người vay tài sản phải có nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn theo thỏa thuận. Nếu bên vay cố tình không trả thì các đồng thừa kế có thể khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết và buộc bên vay phải trả tiền cho gia đình người đã mất.