DOANH NGHIỆP KHÔNG XÁC NHẬN BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP BỊ XỬ PHẠT NHƯ THẾ NÀO?

Mục lục bài viết

  1. Bảo hiểm thất nghiệp là gì?
  2. Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp
  3. Trách nhiệm xác nhận bảo hiểm thất nghiệp
  4. Thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động
  5. Doanh nghiệp không xác nhận bảo hiểm thất nghiệp bị xử phạt theo quy định pháp định
  1. Bảo hiểm thất nghiệp là gì?

Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật việc làm năm 2013: “Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.”

2. Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Căn cứ Điều 43 Luật việc làm năm 2013 quy định về đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp:

“1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

2. Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này.”

3. Trách nhiệm xác nhận bảo hiểm thất nghiệp

Căn cứ khoản 3 Điều 48 Bộ Luật lao động 2019, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện các việc sau đây:

“3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:

a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.

Như vậy, doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận bảo hiểm thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động

Căn cứ theo khoản 2 Điều 50 Luật việc làm năm 2013 quy định như sau: “Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.”

Như vậy, theo quy định trên thì số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được quy đổi như sau:

  • Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp.
  • Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 12 tháng.

5. Doanh nghiệp không xác nhận bảo hiểm thất nghiệp bị xử phạt theo quy định pháp định

Những doanh nghiệp cố tình không làm thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đều sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động bảo hiểm xã hội, người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cụ thể, mức phạt được đặt ra với người sử dụng lao động là cá nhân như sau:

– Vi phạm từ 01 – 10 người lao động: Phạt 01 – 02 triệu đồng.

– Vi phạm từ 11 – 50 người lao động: Phạt 02 – 05 triệu đồng.

– Vi phạm từ 51 – 100 người lao động: Phạt 05 – 10 triệu đồng.

– Vi phạm từ 101 – 300 người lao động: Phạt 10 – 15 triệu đồng.

– Vi phạm từ 301 người lao động trở lên: Phạt 15 – 20 triệu đồng.

Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi số tiền nêu trên (theo khoản 1, Điều 6, Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Ngoài ra, căn cứ khoản 4, Điều 12, Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phía doanh nghiệp còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.