Những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xử lý vi phạm hành chính và tội phạm về môi trường

ThS TRỊNH TUẤN ANH (Trường Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng, Hòa giải viên STAC, Cố vấn pháp lý cao cấp Công ty Luật Việt Đông Á ThS. LÊ THỊ THOA (Cơ quan điều tra VKSNDTC) LS. ĐÀO ĐỨC HẠNH (Công ty Luật Việt Đông Á, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh) - Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm môi trường diễn biến rất phức tạp, tuy nhiên, quy định của pháp luật và cơ chế, chính sách điều hành, hoạt động của các cơ quan thực thi nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

1. Khái quát các quy định pháp luật về tội phạm môi trường

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm môi trường diễn biến rất phức tạp, phổ biến trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, chất lượng môi trường suy giảm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của đất nước. Trên một số địa phương, hoạt động tội phạm môi trường gây phức tạp tình hình an ninh trật tự, trong đó điển hình ở một số lĩnh vực: công nghiệp, xây dựng cơ bản, môi trường đô thị; tài nguyên khoáng sản, đa dạng sinh học; tài nguyên khoáng sản, đa dạng sinh học; nông nghiệp, nông thôn, làng nghề; thương mại, xuất nhập khẩu và quản lý chất thải nguy hại; y tế và an toàn vệ sinh thực phẩm [1].

Do vậy, BLHS năm 2015 đã có nhiều quy định mới về nhóm tội phạm môi trường thể hiện chính sách hình sự: Sửa đổi về cấu thành tội phạm theo hướng cụ thể hóa các hành vi và quy định mức định lượng vi phạm cụ thể để xử lý nhằm đảm bảo tính khả thi và thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Đồng thời, xuất phát từ mục đích chủ yếu của các hành vi phạm tội là nhằm thu lợi do đó mở rộng phạm vi áp dụng của hình phạt tiền, mức phạt tiền được nâng lên đảm bảo tính răn đe, trừng trị đối với các hành vi vi phạm [2]”. Cụ thể, tại Chương XIX, BLHS năm 2015 có nhiều quy định về các tội phạm liên quan đến môi trường.

Các tội phạm về môi trường quy định trong BLHS năm 2015 đã khắc phục một số hạn chế trong quy định về tội phạm môi trường tại BLHS 1999 (sửa đổi 2009), điển hình như sau:

Thứ nhất, BLHS năm 2015 đã quy định cụ thể các dấu hiệu định tội mang tính định tính như “gây hậu quả nghiêm trọng”, “diện tích lớn” trước đây đều được định lượng hóa cụ thể.

Thứ hai, đối với các tội phạm quy định cấu thành hình thức thì việc quy định mức độ nghiêm trọng của hành vi để xử lý về hình sự được quy định dựa trên cơ sở tham khảo quy định của các văn bản về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực này, đồng thời căn cứ vào tính hợp lý, khả thi của quy định.  

Thứ ba, quy định pháp nhân thương mại phải chịu TNHS về các tội liên quan đến môi trường.

Tuy nhiên, thực tiễn tình hình vi phạm, tội phạm còn diễn biến phức tạp, quy định của pháp luật  và cơ chế, chính sách điều hành, hoạt động của các cơ quan thực thi nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

2. Khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xử lý vi phạm hành chính và tội phạm về môi trường

2.1. Hạn chế trong quy định của BLHS năm 2015

Tội gây ô nhiễm môi trường quy định mới có cấu thành hình thức nhưng vẫn chỉ áp dụng với hành vi thải khí và bụi, mà chưa quy định đối với hành vi vi phạm pháp luật môi trường về độ rung, tiếng ồn, mùi. Hơn nữa, theo quy định hiện hành thì hành vi xả thải phải đạt một tải lượng nhất định thì mới bị truy cứu TNHS, quy định này gây khó khăn nhất định trong thực tiễn bởi việc xác định tải lượng này với môi trường không khí là tương đối phức tạp, có thể vượt quá khả năng của cơ quan tiến hành tố tụng

Tội phạm về môi trường theo BLHS năm 2015 không có tội phạm nào được phân loại là tội phạm đặc biệt nghiêm trọngtrong khi hậu quả của tội phạm này gây ra cho môi trường trong thực tế là rất lớn. Điển hình, Công ty bột ngọt Vedan gây thiệt hại đối với vùng hạ lưu sông Thị Vải, tỉnh Đồng Nai vì lợi nhuận rất cao thu được nhờ hành vi xả thải không được xử lý ra môi trường, Công ty này đã hủy diệt hạ lưu sông Thị Vải, đồng thời “cướp đi” cơm áo, tiền của, mồ hôi nước mắt của bao người lao động. Nếu cân nhắc được – mất giữa việc Công ty này nộp thuế cho ngân sách với những thiệt hại đã xảy ra cho người nông dân và chi phí cho khôi phục lại trạng thái ban đầu của sông Thị Vải trước khi bị đầu độc thì cả Nhà nước, xã hội và người dân đều bị “lỗ” quá nặng  [3].

Việc bổ sung chế định TNHS của pháp nhân thương mại vào BLHS thì BLTTHS 2015 cũng đã bổ sung một chương riêng để quy định về thủ tục tố tụng truy cứu TNHS pháp nhân. Tuy nhiên quy định còn mang tính nguyên tắc, ví dụ đối với các quy định về đình chỉ vụ án theo thủ tục thông thường, tức là đối với người bị buộc tội, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa chỉ được đình chỉ vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nếu có căn cứ quy định tại Điều 282 BLTTHS năm 2015, đó là: i) Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 hoặc các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 của BLTTHS năm 2015; ii) VKS rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa. Như vậy, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử khi có căn cứ không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa không được quyết định đình chỉ vụ án, vì đó không phải là căn cứ để họ được phép đình chỉ vụ án.

Trong khi đó, khoản 2 Điều 443 BLTTHS năm 2015 không tách các căn cứ để VKS ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can và các căn cứ để Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị cáo, nên dẫn đến tình trạng không có sự thống nhất giữa các quy định về đình chỉ vụ án theo thủ tục thông thường đối với người phạm tội và thủ tục đối với pháp nhân, dẫn đến trường hợp có một trong hai căn cứ nêu trên, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa có thẩm quyền quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị cáo [4].

2.2. Hạn chế trong thi hành án với pháp nhân thương mại

Việc thi hành án đối với pháp nhân thương mại phạm tội về môi trường còn hạn chế. Các biện pháp bảo đảm thi hành án đối với pháp nhân thương mại về các hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm huy động vốn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực; buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục hậu quả, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra thì trình tự và thủ tục thực hiện chưa được quy định cụ thể. Tuy nhiên, các hình phạt, biện pháp tư pháp đòi hỏi phải có trình tự, thủ tục thi hành cưỡng chế thích hợp mà chưa có luật định cụ thể.

2.3. Vướng mắc trong quy định của một số văn bản dưới luật

Nghị định 155/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 55/2021/NĐ-CP) quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường .

Trên thực tế, Cảnh sát môi trường không thể tiến hành xử phạt các hành vi vi phạm được quy định tại Điều 8; điểm b, c khoản 1, Điều 9 và điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 10 Nghị định 155/2016/NĐ-CP; mặc dù các nhóm hành vi vi phạm này thường gặp trong sản xuất kinh doanh; bởi không có thẩm quyền xử phạt theo quy định.

Đối với hành vi quy định tại khoản 1, Điều 19 Nghị định 155/2016/NĐ-CP có hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Trong thực tế, các hành vi xả thải hầm cầu phải tịch thu xe có giá trị lớn tương đương 1 tỷ đồng, trong khi đó trên địa bàn nhiều tỉnh thành trên cả nước chưa xây dựng các bãi xử lý loại chất thải này. Do vậy, hình thức phạt bổ sung chưa phù hợp.

Đồng thời, thực tiễn hiện nay cho thấy, các hành vi vi phạm trong chôn lấp, xử lý thải chất thải là vật liệu xây dựng diễn ra phổ biến nhưng chưa được quy định xử phạt trong Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Nhiều địa phương chưa quy hoạch nơi chôn lấp chất thải rắn nên gây khó khăn trong công tác xử lý.

Thẩm quyền xử lý VPHC của lực lượng Cảnh sát môi trường tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP còn hạn chế gây khó khăn trong công tác xử lý. Đa số các cơ sở hoạt động có ảnh hưởng đến môi trường trên địa bàn tỉnh thẩm quyền cấp hồ sơ về môi trường đều thuộc UBND cấp huyện cấp phép, do đó một số hành vi vi phạm của cơ sở thường xảy ra đều thuộc thẩm quyền xử lý của UBND cấp tỉnh, huyện.

Nghị định số 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực lâm nghiệp  chỉ quy định thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân thực hiện theo Điều 39 Luật xử lý VPHC (không quy định thẩm quyền cụ thể của Cảnh sát môi trường).

Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản thay thế Nghị định số 33/2017/NĐ-CP đã có nhiều điểm mới. Tuy có một số điểm mới nhưng chưa có văn bản hướng dẫn, chưa quy định căn cứ quy đổi, tính toán, điển hình như: Việc xác định chi phí trực tiếp có được số lượng khoáng sản để tính số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm; việc tịch thu khoáng sản được quy đổi bằng tiền…

2.4. Vướng mắc trong việc xử lý các hành vi vi phạm lĩnh vực động vật hoang dã  

  Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu, tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng như xé lẻ khối lượng động vật hoang dã để vận chuyển, mua bán trái phép, sử dụng hóa đơn quay vòng vận chuyển nhiều lần, vận chuyển bằng nhiều đường khác nhau (chính ngạch, tiểu ngạch)

  Khi bị lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng bỏ chạy để lại tang vật, phương tiện vi phạm gây khó khăn trong công tác truy tìm đối tượng, điều tra, xác minh hành vi vi phạm.

  Tang vật VPHC là động vật nhóm IB và sản phẩm của chúng (ngà voi, sừng tê giác…) không nằm trong danh mục hàng thương mại (hàng cấm) nên không có cơ sở định giá, khó khăn trong việc xác định quy mô, mức độ hành vi vi phạm, mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt…

  Lực lượng Cảnh sát môi trường ở địa phương còn mỏng, chủ yếu là kiêm nhiệm, trong khi địa bàn quản lý rộng gây khó khăn trong công tác quản lý, phát hiện, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật rừng.

2.5. Vướng mắc trong công tác kiểm định, giám định

Cơ sở vật chất công tác kiểm định còn chưa đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn phòng thí nghiệm. Các thiết bị phục vụ công tác kiểm định còn thiếu hoặc hư hỏng không đáp ứng được yêu cầu công tác trong tình hình hiện nay.

Chất lượng cán bộ còn chưa đảm bảo trong công tác thu mẫu và kiểm định. Cán bộ làm nhiệm vụ đo kiểm hiện trường và kiểm định mẫu nước thải của đơn vị hiện chưa được tập huấn và cấp chứng nhận tập huấn về đo kiểm hiện trường và kiểm định mẫu nước thải theo quy định tại Thông tư 41/2020/TT-BCA Quy định kiểm định nước thải.

Căn cứ khoản 1, Điều 38 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự thì Phòng Cảnh sát môi trường có thẩm quyền “Khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án”. Trong quá trình công tác, Phòng Cảnh sát môi trường (PC05) ở một số địa phương đã phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tội phạm hủy hoại rừng và tiến hành bàn giao vụ việc cho Hạt kiểm lâm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an địa phương theo thẩm quyền. Tuy nhiên, một số vụ việc vẫn chưa được Cơ quan điều tra khởi tố vụ án theo quy định. Việc khởi tố vụ án, bị can qua công tác phát hiện của Phòng PC05 vẫn còn phụ thuộc vào Hạt kiểm lâm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an địa phương nên các chỉ tiêu liên quan khởi tố thường bị hạn chế

Khi thực hiện thẩm quyền trong hoạt động điều tra, nếu Trưởng phòng Cảnh sát môi trường ký các văn bản liên quan đến tốt tụng hình sự thì sử dụng con dấu nào là đúng về quản lý hành chính và đúng về tố tụng, hiện còn chưa thống nhất.

Thực tế công tác giám định và bảo quản tang vật, vật chứng trong các vụ án liên quan đến động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm gặp nhiều khó khăn như công tác vận chuyển về nơi tạm giữ và trưng cầu giám định tại các Cơ quan có chức năng tư pháp về giám định; chưa có quy định về cách thức lấy mẫu (cá thể sống, chết hay sản phẩm của ĐVHD) và cách bảo quản tang vật, vật chứng là cá thể ĐVHD hay sản phẩm của chúng. Cán bộ điều tra chủ yếu bảo quản tang vật, vật chứng theo kinh nghiệm cá nhân nên đôi khi xảy ra trường hợp vật mẫu bị hư hỏng, phân hủy trong quá trình đưa đi trưng cầu giám định. Ngoài ra, việc xác định loài đối với tang vật đã xử lý (cạo lông, xẻ thịt…) gặp khó khăn, không có cơ sở để xác định loài; khó phân biệt đối với động vật rừng, các sản phẩm, bộ phận của động vật rừng có nguồn gốc do săn bắt trái phép và do gây nuôi có nguồn gốc hợp pháp. Việc giám định các mẫu vật, nhận dạng loài, tang vật của vụ án như xương, mật, nanh, vuốt, cao… sản phẩm của động vật hoang dã quý, hiếm còn gặp khó khăn, thời gian kéo dài, chi phí cao, do vậy công tác đấu tranh còn chậm, hiệu quả thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế [6].

2.6. Trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng  

Các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm có nhiều âm mưu, thủ đoạn, hoạt động để tránh bị phát hiện. Khi cơ quan chức năng phát hiện thì không bị xử lý hình sự, hủy hoại rừng với diện tích nhỏ, chưa đủ để xử lý hình sự, sau đó, phá mở rộng lấn chiếm dần trong thời gian dài; các đối tượng phá rừng sau đó chuyển nhượng trái phép luôn cả phần diện tích rừng liền kề, các đối tượng khác tiếp tục lấn dần diện tích rừng còn lại, khi bị phát hiện thì cung cấp giấy tờ mua bán đất; phá rừng vào thời điểm ngoài giờ hành chính, vào các ngày nghỉ, ngày lễ và vào các ngày lực lượng quản lý, bảo vệ rừng không có lịch tuần tra, bảo vệ rừng tại khu vực; đối tượng còn sử dụng thủ đoạn phá dở dang để chờ yếu tố tự nhiên tác động làm cây rừng bị chết. Ngoài các thủ đoạn phổ biến trên, các đối tượng còn móc nối với người có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, để thực hiện hành vi sai phạm.

Khó khăn trong việc thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội: Có nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian dài mới phát hiện giao cho Cơ quan điều tra xử lý; hồ sơ vụ việc cơ quan khác chuyển sơ sài, thiếu thông tin tài liệu, không chụp ảnh, quay phim hiện trường, đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội, không thu giữ tang vật… để phục vụ điều tra truy nguyên đối tượng; có nhiều vụ cơ quan chức năng chỉ phát hiện, lập biên bản vụ việc không rõ đối tượng, thời gian xảy ra sau đó chuyển đến cơ quan Công an (dẫn đến nhiều vụ việc sau khi chuyển điều tra phải tạm đình chỉ do không xác định được đối tượng vi phạm); việc điều tra các vụ án về rừng, đất rừng đòi hỏi phải có sự tham gia của cán bộ chuyên môn ở các cơ quan và các thiết bị chuyên dụng, Cơ quan điều tra phải chờ kết luận của cơ quan chuyên môn và cán bộ tham gia xác định vị trí, diện tích, giá trị thiệt hại…

Việc truy nguyên đối tượng trong nhiều vụ hủy hoại rừng rất khó khăn. Tại thời điểm điều tra các đối tượng đã ngừng thực hiện hành vi phạm tội, thống nhất với nhau về lời khai, tàng trữ, tiêu hủy vật chứng để đối phó với Cơ quan điều tra, trong khi đó việc thu thập các tài liệu, chứng cứ khác gặp nhiều khó khăn do việc thực hiện hành vi phạm tội không có người chứng kiến. Công tác khám nghiệm hiện trường không đạt hiệu quả do hiện trường vụ án bị xáo trộn, các cây rừng bị chặt hạ không còn tại hiện trường.

Khó khăn vướng mắc khi áp dụng quy định của pháp luật để xử lý hành vi vi phạm, cụ thể tại  Điều 228, BLHS năm 2015 đã quy định chi tiết việc xử lý hình sự đối với hành vi lấn, chiếm đất rừng trái phép, theo quy định để xử lý hình sự đối tượng phải được xử lý VPHC hoặc bị kết án về hành vi lấn, chiếm đất và chưa được xóa án tích. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay hành vi này chưa được cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở phát hiện, xử lý kịp thời và gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý, việc lập hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm thiếu chặt chẽ ngay từ ban đầu, không tống đạt được Biên bản, các Quyết định xử phạt VPHC cho đối tượng vi phạm, dẫn đến việc đối tượng vi phạm nhiều lần nhưng không xử lý được. Việc quy định thẩm quyền, chức năng trong xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai hiện nay còn chồng chéo, vướng mắc, dẫn đến tình trạng một số cơ quan đùn đẩy trách nhiệm, cơ chế phối hợp còn thiếu nhất quán, do đó không xử lý triệt để hành vi vi phạm [7].

Xử lý doanh nghiệp thiếu trách nhiệm để mất rừng là khó khăn, do chủ rừng này không phải chủ thể đặc biệt (nhà nước giao trên cơ sở hợp đồng kinh tế, do vậy đây là giao dịch dân sự, nếu mất rừng họ chỉ bồi thường thiệt hại theo giá trị rừng nhà nước quy định) [8]. 

2.7.Vướng mắc trong công tác phối hợp với các lực lượng chức năng

Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị chưa nhận thức đúng vai trò trách nhiệm của mình nên còn lơ là thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; phân công nhiệm vụ không rõ ràng, cụ thể dẫn đến thực hiện chức năng nhiệm vụ không tốt, còn đùn đẩynhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng; một số lãnh đạo chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng chưa nắm rõ được ranh giới, diện tích rừng được giao quản lý, diện tích rừng bị mất. UBND cấp xã được giao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng không hoàn thành nhiệm vụ, số vụ vi phạm do chính quyền địa phương phát hiện rất ít. 

Các đơn vị chủ rừng chưa làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền nên chưa huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng, tố giác tội phạm.

Một số địa phương, công tác phối hợp giữa các ngành trong xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện chưa đồng bộ và không duy trì thường xuyên, chủ yếu phối hợp theo thời vụ hoặc khi có vụ việc xảy ra. Một số địa phương cơ quan chức năng chưa thực sự coi trọng việc phối hợp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng là nhiệm vụ, trách nhiệm chung, mà việc tham gia chỉ như là sự hỗ trợ đối với lực lượng Kiểm lâm, cử cán bộ tham gia một cách hình thức, chưa đúng thành phần, chưa đảm bảo chất lượng công việc. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong bảo vệ rừng chưa kịp thời, thường xuyên; việc tổ chức truy quét các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Lâm nghiệp hiệu quả chưa cao.

Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của nhiều địa phương còn khó khăn, đời sống người dân sống gần rừng đa số còn nghèo, phụ thuộc vào nghề rừng; hệ thống thông tin liên lạc ở một số vùng sâu, vùng giáp ranh chưa được thuận  lợi.

Tình trạng chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng còn diễn biến phức tạp, gay gắt. Việc trang bị, sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ của lực lượng tham gia bảo vệ rừng còn hạn chế nên chưa trấn áp được các đối tượng manh động, chống đối.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Để các quy định về xử lý vi phạm hành chính và tội phạm về môi trường được thực hiện một cách hiệu quả, có tính khả thi và phù hợp với thực tiễn, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau đây:

Hoàn thiện quy định trong việc phân loại tội phạm về môi trường. Tùy loại tội mà cần bổ sung và nâng mức khung hình phạt đối với nhóm tội phạm môi trường cho phù hợp. Đối với một số hành vi vi phạm không chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính mà cần tăng yếu tố trách nhiệm pháp lý cao hơn. Theo đó, cần bổ sung một số tội danh trong pháp luật hình sự: tội vi phạm các quy định về kế hoạch bảo vệ môi trường, tội vi phạm các quy định về đánh giá môi trường chiến lược, tội vi phạm các quy định về đánh giá tác động môi trường…vv. Trong trường hợp nếu hành vi vi phạm và hậu quả của hành vi chưa được xác định bằng những chỉ số, đơn vị đo lường cụ thể thì cần có những hướng dẫn, tạo căn cứ cho việc đối chiếu, áp dụng.

Cần có văn bản hướng dẫn cụ thể quy định tại khoản 2 Điều 75 BLHS năm 2015. Theo đó, cần xác định rõ TNHS  của cá nhân đối với pháp nhân thương mại vi phạm các tội phạm về môi trường là người đứng đầu pháp nhân thương mại, người đại diện theo pháp luật hay người có trách nhiệm quản lý để xảy ra vi phạm, để dễ dàng trong việc truy cứu TNHS , đồng thời cũng bảo đảm tính khả thi và áp dụng của pháp luật trong thực tiễn [9].

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi công dân trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường, trước mắt hướng dẫn áp dụng BLHS; xây dựng và ban hành quy định giải quyết bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra.

 Tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra các cơ sở, địa bàn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; triển khai có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, đấu tranh xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, xác định rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường của Nhà nước, cá nhân, tổ chức và cộng đồng, đặc biệt đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường.

1.Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp (2019), “ Khái quát thực trạng pháp luật về tội phạm môi trường”, Thông tin khoa học pháp lý, Số 6 (Đặc san),

2.Bộ Tư Pháp (2015), “Báo cáo đánh giá tác động của dự án BLHS (sửa đổi)”, Hà Nội

3.Bùi Xuân Phái (2016), “Hoàn thiện các quy định về xử lý hình sự đối với pháp nhân trong lĩnh vực môi trường”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 12 (316),

4.Trịnh Quốc Toản (2018), “Nghiên cứu một số quy định đặc thù về các giai đoạn tố tụng đối với pháp nhân trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và một số kiến nghị”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Luật học, Tập 34, Số 4 (2018)

5.Điều tra xã hội học các Điều tra viên Cơ quan CSĐT Công an các huyện và Cán bộ cảnh sát Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Gia Lai, thời gian thực hiện tháng 8/2021.

6.Nguyễn Thị Trang Dung (2020), “Pháp luật về xử lý vi phạm trong bảo tồn các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, qua thực tiễn thi hành tại tỉnh Đắk Lắk”, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Đại học Huế

7.Trịnh Việt Hà (2018), “Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong vụ án hủy hoại rừng theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Gia Lai”, Luận văn thạc sĩ luật học, Học viện KHXH

8.Nguyễn Thành Khâm (2018), “Bảo vệ và phát triển rừng bằng phương thức giao khoán theo pháp luật Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Bình Định”, Luận văn thạc sĩ luật học, Học viện KHXH

9.Trịnh Tuấn Anh (2018), “Trách nhiệm hình sự của pháp nhân dưới góc độ luật học so sánh”, Tạp chí Tòa án nhân dân, Số 4

https://tapchitoaan.vn/nhung-kho-khan-vuong-mac-trong-thuc-tien-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-va-toi-pham-ve-moi-truong