NGƯỜI LAO ĐỘNG CẦN LÀM GÌ KHI DOANH NGHIỆP KHÔNG TRẢ LƯƠNG?

Hiện nay, vấn đề chậm chi trả lương giữa người lao động với doanh nghiệp được mọi người quan tâm và ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Để có cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích của mình, người lao động cần có những kiến thức cơ bản về quy định của pháp luật về tiền lương.

Vậy chậm chi trả tiền lương có hợp pháp không? Chậm chi trả tiền lương có bị xử phạt vi phạm hành chính? Người lao động có thể làm gì khi bị doanh nghiệp chậm trả tiền lương? Bài viết này sẽ giúp người lao động hiểu rõ hơn về vấn đề trên.

Theo quy định mới nhất tại Bộ luật lao động năm 2019 quy định cụ thể các vấn đề về tiền lương giữa người sử dụng lao động và người lao động.

  1. Doanh nghiệp chậm chi trả lương có hợp pháp không

Căn cứ Điều 94 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về nguyên tắc trả lương như sau: Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.”

Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn vì sự kiện bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày và nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động cần phải đền bù một khoản tiền cho người lao động theo quy định. Khoản đó ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bộ tại thời điểm trả lương.

Theo đó việc chậm trả lương, không trả lương theo quy định của Bộ luật lao động hiện hành được xem là không hợp pháp. Người sử dụng lao động cần tuân thủ đúng nguyên tắc khi trả lương cho người lao động.

2. Người lao động có thể làm gì khi bị doanh nghiệp chậm trả tiền lương

Phương án 1: Gửi yêu cầu trực tiếp đến ban lãnh đạo công ty yêu cầu giải quyết tiền lương

Thỏa thuận được xem là phương án đầu tiên tối ưu và ít tốn kém nhất khi phát sinh vấn đề trong hợp đồng lao động.

Phương án 2: Khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

Căn cứ theo Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP người lao động muốn giải quyết tranh chấp lao động về chậm trả tiền lương theo quy định pháp luật thì nên thực hiện khiếu nại theo các bước sau:

Bước 1: Gửi đơn khiếu nại tới doanh nghiệp mà người lao động đó đang làm việc. Người sử dụng lao động là bên có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.

Bước 2: Trường hợp người sử dụng lao động không phản hồi đơn khiếu nại sau 30 ngày kể từ ngày nộp đơn. Hoặc người lao động không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại thì người lao động sẽ gửi đơn khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính. Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu.

Phương án 3: Hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động

Theo khoản 1 Điều 190 Bộ luật lao động năm 2019, thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết là 06 tháng kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Các bên sẽ thống nhất phương án giải quyết với nhau. Trường hợp không thỏa thuận được, người lao động có thể xem xét phương án mà hòa giải viên lao động đưa ra.

Phương án 4: Giải quyết bởi Hội đồng trọng tài lao động

Theo Điều 189 Bộ luật lao động năm 2019 cách này được tiến hành sau khi đã trải qua bước hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động. Đồng thời chỉ giải quyết tranh chấp bằng Hội đồng trọng tài lao động khi cả hai bên đồng ý lựa chọn.

Phương án 5: Khởi kiện tại Tòa án

Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật lao động năm 2019, tranh chấp về tiền lương bắt buộc phải trải qua thủ tục hòa giải bởi Hòa giải viên lao động, sau đó mới được khởi kiện tại Tòa án.

Người lao động gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự theo hướng dẫn của Tòa án.

3. Người sử dụng lao động không trả lương đúng hạn cho người lao động theo như thỏa thuận thì bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định vềbiện pháp khắc phục hậu quả:“Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;”

4. Chậm chi trả lương có bị xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với 05 trường hợp trả lương không đúng hạn như sau:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Việc người sử dụng lao động chậm chi trả lương là hành vi vi phạm pháp luật và tùy vào mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền tương ứng. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 17 nêu trên theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Vì vậy, người sử dụng lao động phải hoàn thiện tiền lương cho người lao động đúng như thời hạn đã thỏa thuận, nếu bị vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Trên đây là quy định của pháp luật về việc chậm trả tiền lương. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì chưa rõ ràng hoặc quý khách hàng có những vấn đề pháp lý về lao động hãy cung cấp thông tin để chúng tôi sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc.