Mục lục
1. Thế nào là văn hóa phẩm đồi trụy
2. Pháp luật quy định về quyền cá nhân đối với hình ảnh
3. Hành vi chia sẻ phim, ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?
- 3.1 Xử phạt hành chính
- 3.2 Truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Thế nào là văn hóa phẩm đồi trụy
Căn cứ khoản 4 Điều 3 Nghị định 178/2004/NĐ-CP của Chính phủ số 178/2004/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2004 quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh phòng, chống mại dâm quy định: “Đồi trụy quy định tại Điều 16 và khoản 1 Điều 26 của Pháp lệnh là sự thể hiện bằng hành động, bằng hình ảnh, bằng âm thanh lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng đến mức tồi tệ về đạo đức, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.”
Như vậy, có thể hiểu văn hóa phẩm đồi trụy là sách, báo, phim ảnh, âm nhạc,… và tất cả những vật phẩm khác có nội dung chứa hình ảnh, âm thanh mang tính chất đồi trụy, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
2. Pháp luật quy định về quyền cá nhân đối với hình ảnh
Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền cá nhân đối với hình ảnh:
“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.”
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.”
Vì vậy, quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình là một trong những quyền nhân thân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ, qua đó cũng bảo vệ cho giá trị thân thể của con người, không ai được quyền xâm phạm.
3. Hành vi chia sẻ phim, ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?
3.1 Xử phạt vi phạm hành chính
Theo Điểm a, b khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện:
“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;”
Căn cứ quy định trên, lan truyền văn hoá phẩm đồi truỵ nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt hành chính theo hình thức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng tùy vào tính chất và mức độ của hành vi.
3.2 Truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo Điều 326 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
“1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);
b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;
c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị;
d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.”
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);
c) Ảnh có số lượng từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh;
d) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị;
đ) Phổ biến cho từ 21 người đến 100 người;
e) Phổ biến cho người dưới 18 tuổi;
g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;
b) Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên;
c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên;
d) Phổ biến cho 101 người trở lên.”
Căn cứ vào tính chất và mức đố của hành vi, người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 15 năm, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.