Căn cứ khoản 11 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thì người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy mắc các lỗi sau đây sẽ bị tịch thu phương tiện:
“11. Tịch thu phương tiện đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe;
b) Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh;
c) Tái phạm hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng quy định tại điểm a khoản 9 Điều này.”
Ngoài ra, tại điểm c khoản 12 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, việc bị tịch thu phương tiện thì người điều khiển xe máy mắc các lỗi nêu trên còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Đồng thời khoản 3 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) có quy định về tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn như sau:
“Điều 25. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn
3. Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành. Người có thẩm quyền xử phạt giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung thời gian tước, đình chỉ được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì thời hạn tước, đình chỉ có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung thời gian tước, đình chỉ; nếu có tình tiết tăng nặng thì thời hạn tước, đình chỉ có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung thời gian tước, đình chỉ.”