Mục lục
- Người có hành vi xuất khẩu lao động trái phép bị xử phạt ra sao?
- Tổ chức môi giới cho người khác xuất khẩu lao động trái phép bị xử phạt như thế nào?
1. Người có hành vi xuất khẩu lao động trái phép bị xử phạt ra sao?
Xuất khẩu lao động trái phép là hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài làm việc mà không tuân thủ các quy định pháp luật của quốc gia xuất khẩu và quốc gia tiếp nhận. Điều này có thể bao gồm việc không có hợp đồng lao động hợp pháp, không có giấy phép lao động, hoặc không thông qua các công ty xuất khẩu lao động được cấp phép.
Theo điểm a khoản 3 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình
“Điều 18. Vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật;”
2. Tổ chức môi giới cho người khác xuất khẩu lao động trái phép bị xử phạt như thế nào?
Đối với hành vi tổ chức môi giới cho người khác xuất khẩu lao động trái phép được quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:
“Điều 18. Vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại
7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
đ) Tổ chức, môi giới, giúp sức, xúi giục, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, ở lại nước ngoài, nhập cảnh, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép.”
Theo đó, người môi giới xuất khẩu lao động trái phép có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đến 40.000.000 đồng.
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì mức phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm, trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt sẽ gấp đôi.
Đồng thời, tại Điều 349 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định:
“Điều 349. Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép
1. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với từ 05 người đến 10 người;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với 11 người trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết người.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Theo đó, người tổ chức môi giới xuất khẩu lao động trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép với mức phạt tù 01 đến 15 năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10 đến 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 01 đến 05 năm.