BỊ ĐỐI THỦ CẠNH TRANH “BẨN” THÌ PHẢI LÀM SAO?

Tôi có một cửa hàng bán mỹ phẩm nhỏ đã mở được hơn 2 năm nay, nhưng gần đây, xuất hiện một cửa tiệm cũng bán mỹ phẩm gần cửa hàng của tôi. Chủ cửa hàng kia đăng bài viết lên trang cá nhân có nội dung chê bai, bêu rếu tiệm của tôi. Chưa dừng lại, gần đây chị ấy đăng thêm một bài viết nêu rõ nội dung “Ghét đối thủ” nên giảm giá: 30% các sản phẩm cho khách của tiệm tôi. Điều kiện để áp dụng giảm giá là “xác thực được là khách và có mua sản phẩm” của tiệm tôi. Các bài viết của chị này có rất nhiều người tương tác. Xin hỏi, hành vi của chủ tiệm kia đã vi phạm pháp luật như thế nào? Tôi phải cầu cứu cơ quan, đơn vị nào để họ ngăn chặn, xử lý các thông tin sai sự thật về tiệm của tôi?

Trả lời:

Thứ nhất là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, việc người này liên tục lôi kéo, sử dụng thông tin liên quan đến khách hàng của tiệm chị để tạo chương trình giảm giá nhằm thu hút khách hàng là có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 6 Điều 3 và Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018 như sau:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

6. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.       

Điều 45. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm

1. Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây:

a) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;

b) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

2. Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.

3. Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

4. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.

5. Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây:

a) Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác;

b) So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.

6. Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.

7. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác.

Thứ hai, hành vi đăng tải các bài viết công khai trên mạng xã hội để chê bai, bêu rếu tiệm của chị có dấu hiệu xâm phạm danh dự, uy tín của người khác theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.”

Cạnh đó, hành vi này còn có dấu hiệu vi phạm quy định về trang thông tin điện tử theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử là căn cứ để phát sinh việc xử phạt hành chính theo quy định Bộ luật Dân sự 2015.

Điều 99. Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;”

Thứ ba, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, chị có thể liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền như công an, tòa án có thẩm quyền bằng cách làm đơn tố giác, đơn khởi kiện hoặc trình báo sự việc, qua đó yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật, để họ ngăn chặn, xử lý, chấm dứt hành vi của họ.